Liên tiếp những vụ lắp camera quay lén bị phát giác khiến dư luận bức xúc và người bị quay lén “sống trong cảnh hoang mang”, sợ những hình ảnh nhạy cảm của mình bị tung lên mạng.
25 vật dụng có gắn camera quay lén do một nhóm phóng viên truyền hình nước ngoài ghi nhận được để cảnh báo khách thuê khách sạn, nhà nghỉ tại một số nước châu Á – Ảnh: T.T.D. chụp màn hình
Trong khi đó, thiết bị quay lén tinh vi vẫn được rao bán tràn lan với nhiều hình thức khác nhau.
Ẩn trong bóng đèn, ổ cắm điện
Khi tìm kiếm cụm từ “camera ẩn, camera ngụy trang” trên mạng xã hội, không khó để thấy hàng chục hội, nhóm, trang bán hàng kinh doanh mặt hàng này.
Phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ với một cửa hàng ở Hà Nội. Nhân viên bán hàng giới thiệu camera ẩn dưới vỏ bọc của hàng loạt vật dụng hằng ngày như: ổ cắm điện, trong bóng đèn chiếu sáng, củ sạc điện thoại, bút viết…
Điểm chung của các mặt hàng này là “mắt camera” rất nhỏ, gần như không thể phát hiện khi nhìn vào. Sau khi gắn nguồn, người sử dụng có thể kết nối và theo dõi hình ảnh truyền trực tiếp về điện thoại thông qua một ứng dụng chuyên biệt. Hình ảnh truyền về có độ nét tối đa lên tới 4K.
Mức giá của các mặt hàng chênh lệch tùy theo “mức độ ngụy trang” và chất lượng hình ảnh, dao động 1,2 – 1,6 triệu đồng. “Loại ẩn trong bóng đèn hay ổ cắm điện là bán chạy nhất vì gần như chẳng ai để ý”, một người bán hàng tên Oanh nói.
Việc nhiều loại camera quay lén, ngụy trang tinh vi được rao bán công khai đang làm tăng nguy cơ kẻ xấu sử dụng vào mục đích bất chính. Hồi tháng 4 tại quận Hà Đông (Hà Nội), ông N. (58 tuổi), chủ một khu nhà trọ ở phường Yên Nghĩa, đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì lắp đặt camera quay lén trong phòng tắm nhiều phòng trọ.
Tại cơ quan công an, ông N. khai nhận khoảng tháng 6-2023, “xuất phát từ ham muốn của bản thân muốn xem lén người thuê phòng là nữ tắm” nên đã lên mạng xã hội đặt mua ba bộ camera về lắp vào phòng tắm của các phòng.
Công an quận Hà Đông xác định hành vi của ông N. có dấu hiệu “thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác”.
Vi phạm quyền riêng tư
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho hay các trường hợp quay lén hình ảnh nhạy cảm với hai mục đích. Thứ nhất, một nhóm người phục vụ sở thích “biến thái” của bản thân.
Thứ hai, mục tiêu của một nhóm khác là lấy được các thông tin quay lén để đưa lên các trang web nước ngoài để câu view, lồng vào các quảng cáo cờ bạc, cá độ… “Kẻ xấu thu được các giá trị kinh tế rất lớn về hành vi này”, ông Thắng cho biết.
Về hậu quả, ông Thắng đánh giá các nạn nhân bị quay lén trước tiên là bị xúc phạm về quyền riêng tư. Khi các hình ảnh nhạy cảm của họ bị công khai trên mạng xã hội, những áp lực này có thể gây hậu quả nặng nề hơn như trầm cảm, tự sát…
Về giải pháp, chuyên gia này cho rằng mỗi người cần có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ chính mình. Khi tới những nơi lạ, nơi ở thuê cần quan sát kỹ ở những vị trí như đầu dò phòng cháy chữa cháy, bóng đèn, tivi, ổ điện trong phòng tắm…
Nếu có dấu hiệu khả nghi giống camera thì nên rời đi hoặc thông báo cho lực lượng chức năng.
Ngoài ra, ông Thắng cũng khuyến cáo để an toàn hơn, mỗi người có thể trang bị thêm những thiết bị rà quét camera quay lén. Đối với phạm vi rà quét nhỏ, bảo vệ cá nhân, giá bán thiết bị này chỉ dưới 1 triệu đồng.
“Nguyên tắc của camera là có phát sóng, các thiết bị này có thể rà quét và nhanh chóng phát hiện các camera quay lén”, ông Thắng nói.
Có thể bị xử hình sự
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu rõ hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép (đặt camera quay lén) là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ghi hình người khác trong những tình thế, tư thế nhạy cảm.
Theo ông Cường, hành vi đặt camera quay lén trong nhà nghỉ, khách sạn nếu bị tố cáo, tố giác, tùy theo từng tính chất, mức độ của vụ việc mà người quay lén người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của luật.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi quay lén chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu tới 30 triệu đồng theo quy định tại nghị định 144/2021 của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chỉ rõ thời gian qua rất nhiều vụ việc đặt camera quay lén trong nhà nghỉ, nhà trọ… đã bị phát hiện và xử lý khiến dư luận rất bức xúc. Dù bất kể động cơ, mục đích là gì thì đây là hành vi rất đáng lên án, thể hiện sự lệch lạc, biến thái trong cách suy nghĩ, hành động và vi phạm pháp luật.
Theo ông Hòa, dù kinh doanh camera là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có sự kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhưng việc bán camera giấu kín trên mạng vẫn tràn lan, rất dễ dàng mua và sử dụng các thiết bị giấu kín để thu thập trái phép thông tin cá nhân.
Ông nêu rõ pháp luật hiện hành đã có quy định về xử lý hành chính cũng như hình sự những hành vi này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. Tuy nhiên việc phát hiện chủ yếu vẫn dựa vào đơn thư tố giác của người dân hoặc khi những hình ảnh này bị lan truyền trên mạng.
Do vậy các cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm minh, phạt nặng các trường hợp vi phạm để mang tính răn đe và tìm hiểu rõ nguyên nhân của hành vi vi phạm để ngăn chặn các vụ việc tương tự. Nếu không xử lý hay xử lý nhẹ, vấn nạn này sẽ gây ra nhiều hậu quả.