U70 độc thân vui vẻ của ‘Táo bà’ Minh Vượng trong ngôi nhà đơn sơ khu tập thể
Ở tuổi U70, bà sống một mình, mắc nhiều bệnh nhưng vẫn luôn lạc quan. Bà hiện sống trong căn nhà giản dị và tận hưởng những món ngon do chính mình vào bếp.
NSƯT Minh Vượng là một trong những tên tuổi kỳ cựu nhất nhì làng hài phía Bắc. Dấu ấn đậm nhất của bà trong lòng công chúng phải kể đến vai diễn “Táo bà”. Năm 2006, NSƯT Minh Vượng đảm nhận vai Táo Kinh tế, sau đó là Táo Cơ chế (2007) và Táo Đời sống (2008).
Ở tuổi U70, bà sống một mình, mắc nhiều bệnh nhưng vẫn luôn lạc quan. Minh Vượng từng tâm sự, hiện tại bà không buồn. Bà nói với chính mình: “Trong Đạo Phật có nói: “Chồng vợ có nên duyên phải trải qua 500 kiếp luân hồi”. Vậy thì chắc là kiếp trước tôi có chuyện gì lầm lỡ bởi ngoài 60 tuổi rồi vẫn chưa có một bờ vai. Kiếp này đành lỡ hẹn với tình duyên. Nhưng tôi mong kiếp sau sẽ lên xe hoa lấy được người như ý và có những đứa con thật ngoan, biết nghe lời cha mẹ”.
Hoàn thành những vai diễn được giao, NSƯT Minh Vượng lại trở về với cuộc sống bình dị tại căn nhà nhỏ ở khu tập thể Bách khoa, Hà Nội.
Trong căn nhà đơn sơ bà thường xuyên đón tiếp những người bạn của mình.
Dẫu chọn cuộc sống độc thân và sức khỏe không mấy ổn định, nhưng NSƯT Minh Vượng vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời và tươi trẻ. NSƯT Minh Vượng có sở thích cắm hoa và nấu nướng.
Trên trang cá nhân, bà thường xuyên khoe những bình hoa xinh xắn do chính mình thực hiện. Thi thoảng rảnh rỗi, NSƯT Minh Vượng cũng khoe tài nấu nướng khiến khán giả phải trầm trồ.
Sống độc thân nhiều năm trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể, nghệ sĩ Minh Vượng vẫn thường tự mình nấu nướng và còn chiêu đãi những người thân yêu. Một lần, nhân ngày giỗ của người thân, danh hài một thời của “Gặp nhau cuối tuần” đã đăng tải mâm cỗ cúng rất đủ đầy. Toàn là những món thân quen nhưng nữ nghệ sĩ lại được nhiều người khen ngợi về sự chỉn chu, đậm chất cổ truyền. Mâm cỗ được nữ nghệ sĩ dâng lên cúng gồm thịt gà lá chanh, nem rán, chả lụa, chả quế, bóng xào trứng non, canh móng giò, canh khoai tây cà rốt, canh miến…
Nhiều bạn bè, người hâm mộ đã khen ngợi: “Rất ấm áp, chỉn chu ạ”, “Mâm cúng chuẩn cổ truyền, mê quá”, “Đúng chất cỗ người Hà Nội”, “Vừa đẹp mắt mà vừa ngon”… Có người còn cho rằng Minh Vượng “đúng chuẩn mực của người phụ nữ thời xưa, nhìn cách bày biện mâm cỗ là biết”.
Ngoài mâm cỗ cúng trên, nghệ sĩ Minh Vượng cũng từng chia sẻ nhiều món ăn đời thường khác của mình như món bún chấm mắm nêm thịt chân giò luộc. .
Bà cho biết: “Không thể thiếu rau sống, dưa chuột, hành củ… Đĩa dứa chín thêm vào gia vị thay cho chuối xanh vì chợ ngõ không có… Mắm nêm cô bạn gửi từ Huế ra thơm dịu, pha thêm đường, tỏi, ớt. Chao ơi là hấp dẫn, thêm tí cà rốt su hào ngâm giấm”.
Nữ nghệ sĩ cũng từng tả món bún dọc mùng mình nấu mà nhiều người đọc phải “rớt nước miếng”: “Ăn chiều. Chiều cứ âm u mà tôi rất ghét, thôi thì ngâm ít tôm khô. Sườn non rửa sạch cho vào đảo mắm muối, khoảng 5 phút là được. Tôm khô cho vào nước sủi lăn tăn. Hành thái nhỏ, mùi tàu thái rối, cà chua thái cau. Dọc mùng bóp muối rửa sạch, cho qua nước dùng cho chín vớt ra. Nêm cho vừa, hơi đậm một chút chan bún là vừa ăn, cà chua sôi 2 phút là chín, tùy ăn chua thế nào cho bỗng rượu vào, có người thích sấu, nhưng sấu nước không đẹp. Cho bún và các thứ vào bát, dọc mùng chao qua cho nóng. Nhìn bát bún dọc mùng có sườn non, tôm, hành mùi tàu, cà chua đỏ, dọc mùng xanh, bún trắng. Lọ tỏi ngâm dấm ớt,tương ớt bên cạnh. Hấp dẫn ra trò, nâng đũa mời cả nhà”.
Nhiều món ăn thân thương của người Việt cũng để lại cho nghệ sĩ Minh Vượng nhiều cảm xúc. Bà có rất nhiều cảm xúc về món bún riêu. Nghệ sĩ Minh Vượng tiết lộ chiêu nấu bún riêu của mình: “Quan trọng món bún riêu mà không có mẻ là chán chết, đừng quên mẻ chua nhé… Chợ chiều các loại binh chủng rau thơm có đủ, từ hành củ, hành hoa, cà chua, bún…Nhiều người phi hành bị cháy là do khi mắt nhìn thấy hành vàng ruộm mới nhắc chảo ra là tan đời con Nở…”
“Thấy hành nổi lên, bắt đầu tỏa hương nức mũi bắc ra là vừa. Nhớ chút mắm tôm, hòa nước cho vào khi mới đặt nồi lên bếp, khuấy đều tay khoảng dăm phút khi nào gạch cua nổi hết là được. Pha sẵn một ít mắm tôm ngoài chấm đậu, nhớ tí rượu trắng, đường, ớt… Đánh cho sủi bong bóng mũi cho hấp dẫn… Cái anh rau xà lách nhớ thái nhỏ, ngày xưa có rau diếp chứ bây giờ đào đâu ra những lá rau xanh mướt! Có họa chăng trong nỗi nhớ hiện về…”, danh hài chia sẻ.
Bà bộc bạch: “Ngày xưa,ngày xưa ơi cái gì cũng ngon… Một phần do thiếu thốn, bụng đói nhưng cái chính không làm điêu, làm giả như bây giờ. Lại lan man, không nhắc nữa lại buồn đau. Mời cả nhà món quà chiều, tay làm hàm nhai. Nâng đũa nào”.